ĐIỂM ĐẾN

Thăm khu di tích Tây Sơn thượng đạo An Khê, Gia Lai

Quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo

Tây Sơn thượng đạo là chỉ vùng đất phía trên đèo An Khê, ngày ngay bao gồm 4 đơn vị hành chính là thị xã An Khê, huyện K’Bang, Đăk Pơ và Kông Chro. Tây Sơn hạ đạo là chỉ vùng đất huyện Tây Sơn – Bình Định ngày nay, nơi có bảo tàng Quang Trung. Quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991 và xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2021. Quần thể di tích này bao gồm 17 di tích chia làm 6 cụm phân bố đều cả 4 địa phương cụ thể An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro và Kbang. Trong đó, di tích trên địa bàn thị xã An Khê nhiều nhất với 3 cụm gồm: cụm di tích Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho – Xóm Ké; cụm di tích Miếu Xà, Cây Ké phất cờ – Cây Cầy gióng trống và cụm di tích Gò Chợ, lũy An Khê, An Khê trường, đình An Lũy (An Khê đình).

An Khê – vùng trung tâm của Tây Sơn thượng đạo

Thị xã An Khê là một trong hai đơn vị hành chính cấp thị xã trực thuộc tỉnh Gia Lai. Mặc dù còn non trẻ (được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở tách từ huyện An Khê ra thành huyện ĐăkPơ và thị xã An Khê ngày nay) nhưng mảnh đất này gắn liền với bề dày lịch sử phát triển loài người và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. An Khê là vùng chính của Tây Sơn Thương Đạo, nơi Tam Kiệt – ba anh hùng áo vải nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chọn làm căn cứ khởi phát phong trào Tây Sơn.

Thị xã An Khê và vùng lân cận (huyện K’Bang, Kông Chro, Đăk Pơ) trở thành căn cứ xây dựng lực lượng, huấn luyện, tích trữ lương thảo của nghĩa quân Tây Sơn trong những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa. Là nơi khởi đầu cho một chặng đường lịch sử huy hoàng của triều Tây Sơn. Đã hơn hai thế kỉ trôi qua, nơi đây còn để lại những di tích lịch sử của thời kì đó – nổi bật nhất là Khu di tích Tây Sơn thượng đạo.

Thăm Khu di tích Tây Sơn thượng đạo tại An Khê

Khu di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo nằm tại đường Nguyễn Thiếp, Phường Tây Sơn, thị xã An Khê (từ đường Quang Trung chỗ tiệm đồng hồ Lê Kha theo hướng Nam vào khoảng 800m). Từ năm 2021, sau khi được chính quyền địa phương đầu tư trùng tu, tôn tạo, khu di tích đã trở thành một điểm du lịch thu hút du khách gần xa. Vào những ngày đầu xuân năm mới của Tết Nguyên Đán, nơi này trở thành điểm để du khách tham quan, bày tỏ lòng thành kính với những vị anh hùng của dân tộc.

Hàng rào khu di tích có những điểm đặc biệt. Tường rào phía trước xây bằng gạch thấp để người qua có thể nhìn ngắm cả khu từ bên ngoài, rào xung quanh là những dãy tre ngà vừa kín đáo lại vừa thoáng. Tre ngà gợi về truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre giết giặc cứu nước. Truyền thống yêu nước đó được tiếp nối đến thời anh hùng Nguyễn Huệ và mãi đến muôn đời sau. Ngày nay con cháu đến đây để dâng hương tưởng nhớ và tự hào về các anh hùng dân tộc.

Cổng vào là hai hàng trụ đá lớn màu xám được đẽo nguyên khối và trang trí thêm những biểu tượng của cồng chiêng Bahnar gợi vẻ trang nghiêm và đậm chất văn hóa Tây Nguyên.

Hai cánh cổng vào là hai bức phù điêu đắp nổi diễn tả cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Phù điêu tuy không lớn nhưng được làm rất tinh tế, từ những chiếc lá cây tinh xảo, cảnh người cưỡi voi rất sinh động, cảnh thồ hàng ra trận, cảnh những ngôi nhà rông, suối, đồi…Hình ảnh người Bahnar được khắc họa tinh tế, thể hiện được ngoại hình cũng như tính cách đặc trưng của họ, ngoài ra vẻ mặt họ còn toát lên niềm vui, sự tin tưởng vào thủ lĩnh Nguyễn Huệ, lòng trung trinh cũng như sự quyết tâm đồng lòng để chiến thắng. Bức phù điêu ngắn nhưng khách có thể ngắm và suy tư mãi về ý nghĩa cuộc chiến vĩ đại cũng như khâm phục sự tài hoa của người nghệ sĩ điêu khắc.

Qua cổng, hai hàng ngựa đá trắng toát, dũng mãnh và kiêu hãnh sẽ đón chào quí khách. Ngựa được điêu khắc bằng đá trắng nguyên khối không tì vết, với tư thế đang phi hướng ra cổng, dáng ngựa thanh thoát với nét điêu khắc tinh tế làm toát lên tinh thần lạc quan và hào hùng của dân tộc.

Khu di tích gồm đình thờ Tây Sơn Tam Kiệt, An Khê Trường, Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo – nơi trưng bày những hiện vật về thời kỳ chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa Tây Sơn. Ao sen trước đền thờ Tam Kiệt cũng được phục dựng khá rộng lớn và được vây quanh bới những trụ đá xám, kết cấu phù hợp và chất liệu đồng nhất với dãy trụ đá ở cổng chính đã tạo sự hài hòa và điểm đặc biệt cho kiến trúc nơi đây.

di tích Tây Sơn thượng đạo An Khê Gia Lai
Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở khu di tích Tây Sơn thượng đạo An Khê – Gia Lai

Đến đây, du khách tham quan viện bảo tàng các di tích của phong trào Tây Sơn. Bảo tàng có nhiều hiện vật, tranh ảnh miêu tả cuộc khởi nghĩa. Khách sẽ hiểu thêm về cuộc khởi nghĩa anh dũng và gian khổ của dân tộc. Khách còn được dâng hương trong đình thờ kết cấu theo kiểu đình truyền thống của dân tộc, toàn bộ được làm bằng gỗ gợi vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm.

di tích Tây Sơn thượng đạo An Khê
Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo ở An Khê

Lễ hội cầu Huê – lễ hội diễn ra vào tết âm lịch hàng năm để kỉ niệm cuộc khởi nghĩa Tây Sơn

Một trong những hoạt động văn hóa thể thao nổi bật của khu di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo mỗi khi tết đến xuân về là Lễ hội Cầu Huê. Hoạt động này diễn ra thường niên vào các ngày mồng 4 và 5 tết âm lịch, quy mô ngày càng lớn từ khi thị xã trùng tu tôn tạo khu di tích này.

Lễ hội Cầu Huê gồm hai phần là lễ và hội : Phần lễ gồm những nghi lễ trang trọng theo phong tục xưa, nhằm tri ân công lao to lớn của nhà Tây Sơn trong sự nghiệp giữ nước. Ý nghĩa của Hội hát Cầu Huê là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái dân an…

Phần hội, gồm những hoạt động văn hóa thể thao đặc sắc đậm chất Tây Sơn như : Biểu diễn võ cổ truyền Tây Sơn, đấu võ đài, các trò chơi dân gian, múa xoang, biểu diễn cồng chiêng truyền thống của người Bahnar…Qua những hoạt động đó nhằm tôn vinh tinh thần đoàn kết tương trợ giữa người Kinh – Thượng trong thời kì Tây Sơn.

Trong lễ hội Cầu Huê, phiên chợ Kinh – Thượng cũng được tái hiện với vài chục gian hàng của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn thị xã tham gia. Tại phiên chợ có rất nhiều hàng hóa được bày bán, nhiều nhất là những đặc sản của người dân tộc Bahnar như : thổ cẩm, rượu cần, gà nướng và thịt lợn nướng kiểu Bahnar, bánh xèo hay bánh tráng ướt kiểu Bình Định… ngoài ra còn có một số mặt hàng hiện đại như rau sạch thủy canh, trái cây sạch hoặc những món ăn đặc sản của người An Khê. Ngoài ra còn thêm những gian viết thư pháp rất đông người đến xin chữ – nét đẹp văn hóa dân tộc được lưu giữ qua lễ hội đầy ý nghĩa.

Lễ hội Cầu Huê là một hoạt động văn hóa đặc sắc nhằm tái hiện lại mối quan hệ giao thương buôn bán giữa người Kinh miền xuôi và Người Bahnar miền ngược diễn ra cách đây hơn 250 năm trước. Khách đến đây vừa được tham quan, trải nghiệm, dâng hương tưởng niệm các anh hùng dân tộc thời Tây Sơn. Việc giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo gắn với hoạt động du lịch là một vấn đề đang được chính quyền địa phương rất quan tâm thực hiện.

5/5 - (1 bình chọn)

Join The Discussion

0935816505