ĐIỂM ĐẾN

Thác K50 (Thác Hang Én)- Kinh nghiệm trekking, camping, checkin đầy đủ nhất

1. Thác K50 (thác Hang Én) ở đâu? Nguồn gốc tên gọi.

Thác K50 hay còn gọi là thác Hang Én, thác nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Thác K50 (thác Hang Én) thuộc địa phận xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cách thị trấn Kbang khoảng 70km về phía Bắc. Thác K50 thuộc thượng nguồn sông Côn chảy từ địa phận tỉnh Gia Lai xuống Bình Định. Chảy từ miền cao nguyên Kon Hà Nừng xuống đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ, hòa mình vào dòng sông Côn và đổ ra Biển Đông.

Thác k50 Kbang, Gia Lai
Thác k50 Kbang Gia Lai

Cũng có nhiều người thắc mắc và hỏi rằng thác K50 thuộc Gia Lai hay Bình Định? Thực tế là thác này nằm giữa ranh giới địa phận của hai tỉnh Bình Định và Gia Lai. Tuy nhiên thác K50 thuộc địa bàn quản lí của khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, mà khu bảo tồn Kon Chư Răng do tỉnh Gia Lai quản lí nên đương nhiên thác K50 thuộc Gia Lai.

Nói đến thác K50 (thác Hang Én), đầu tiên chúng ta đi tìm hiểu vì sao thác này có tên như vậy. Thứ nhất, tên thác K50 là bắt nguồn vì độ cao của thác tầm khoảng từ 50-54m tính từ đỉnh đến chân thác (độ cao của nó tương đương với độ cao của tòa nhà 12 tầng vậy). Như vậy từ K50 bắt nguồn từ độ cao của thác. Chính độ cao đã làm nên sự hùng vĩ và sự quyến rũ của thác nước này.

Thứ hai tên thác Hang Én có lẽ bắt nguồn từ chỗ sau dòng thác đổ xuống có một cái hang lớn ở đó có nhiều chim én cỏ sinh sống, trú ngụ. Vào những buổi sáng hoặc chiều tối, khi đến checkin nơi đây chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều chim én bay lượn, tiếng kêu râm ran cả một vùng trời. Tên gọi Thác Hang Én vì sau thác có một cái hang lớn nơi có nhiều chim én cỏ sinh sống.

Vẻ đẹp của Thác K50 được nhiều người ưu ái dùng những cụm từ mĩ miều để gọi tên như: “nàng tiên giữa đại ngàn Tây Nguyên”, hay “nàng thơ (nàng tiên) giữa khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng”, hay dòng lụa bạc giữa rừng Tây Nguyên xanh. Có một cựu cán bộ huyện Kbang khi đến nơi đây đã gọi tên thác này là “Nàng công chúa ngủ trong rừng” và tiềm năng này cần đánh thức.

Tên mĩ miều là vậy, còn vẻ đẹp của thác nước này như thế nào, có làm tâm hồn lữ khách xao xuyến hay không? Đó là tùy vào cảm nhận của mỗi người khi đến nơi đây. Và chỉ có những người từng gặp “nàng thơ ấy”, “nàng công chúa” mới có cảm xúc và miêu tả được mà thôi.

Phong đã hai lần trải nghiệm, trekking, camping ở thác K50:

Thác K50
Dưới chân Thác K50

Lần thứ nhất dịp giỗ tổ Hùng Vương năm 2019 – “trekking con đường nhiều vắt”: đi từ thị trấn KBang vào bản Hà Lâm (trạm Lập) vào trại bò và men theo dòng suối để đến thác k50.

Lần thứ 2: đi từ thị trấn Kbang theo đường Trường Sơn Đông đến Ban quản lí khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, đi đường bê tông để vào thác. Sau lần thứ nhất Phong đã có ý định viết 1 bài review và kinh nghiệm trekking thác Hang Én, tuy nhiên sợ viết không hay, sợ sự trải nghiệm của mình chưa đủ lớn…vì thế nên thôi.

Thế rồi sự quyến rũ của nàng thơ ấy đã thôi thúc Phong trải nghiệm lần thứ 2 và bằng một cung đường khác. Và sau lần thứ hai trải nghiệm mình quyết định ngồi cào bàn phím để chia sẻ với các bạn về cái gọi là Kinh nghiệm trekking, camping, checkin thác K50 – nàng thơ giữa khu bảo tồn thiên Kon Chư Răng (KCR). Để các bạn ở thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…có thêm thông tin, để có thể tự mình trải nghiệm trekking, camping, checkin nơi đây.

2. Đường đến thác K50 (thác Hang Én) Kbang, Gia Lai

Mọi người thường hỏi đường đi đến thác k50 như thế nào? Mình không phải dân Gia Lai thì có thể đến thác K50 bằng những đường nào? Sau đây là câu trả lời:

Có 4 hướng, 4 con đường để đi đến với thác K50: thứ nhất là đi từ thị trấn Kbang, tỉnh Gia Lai : Có hai lựa chọn, lựa chọn 1 là đến Ban quản lí khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, đi đường bê tông (đường mới làm vào năm 2020), lựa chọn số 2 đi đến Trạm Lập (bản Hà Lâm) đi đường Trại bò (“trekking con đường nhiều vắt”, các công ty lữ hành thường đề xuất bạn đi tour cung đường này).

Thứ hai là đi từ huyện An Lão tỉnh Bình Định đi lên, dọc theo sông Côn đi lên. Đây là cung trek xuyên qua 2 khu bảo tồn An Toàn và Konchurang của Bình Định và Gia Lai với tổng chiều dài 21km. Từ làng KBT An Toàn bạn sẽ bắt đầu hành trình xuyên rừng để đến đồi sim lớn nhất nước ta, rừng lá nón, thác K40 và thác K50 (14km). Hành trình ngày tiếp theo là khám phá KBT Konchurang với 7 km.

Thứ 3 là đi Măng Đen tỉnh Kon Tum đi xuống dọc theo đường Trường Sơn Đông.

Thứ 4 là đi từ Quảng Ngãi qua xã Hiếu đi lên dọc theo đường Trường Sơn Đông. Trong những con đường trên thì con đường thứ nhất từ thị trấn Kbang trekking đến Thác K50 là sự lựa chọn dễ dàng và phổ biến nhất.

Nếu các bạn đang ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các thành phố khác muốn đến thác K50 bạn có thể đón xe ô tô khách đến thị trấn Kbang, tỉnh Gia Lai sau đó trekking thác K50. Giao thông đến với thị trấn Kbang tỉnh Gia Lai khá thông suốt và thuận tiện. Từ Sài Gòn đến Kbang – Gia Lai có rất nhiều chuyến xe, hãng xe khai thác, chỉ mất tầm khoảng 1 đêm là đến nơi.

“Xem thêm bài phương tiện và cách di chuyển đến huyện Kbang

Trong nhiều loại phương tiện và cách di chuyển trên thì theo mình đi bằng xe khách đến với thị trấn Kbang là sự lựa chọn hợp lí và rẻ nhất. Bởi vì bạn có thể di chuyển bằng phương tiện là mô tô để đến Thác K50, ok thôi! Nếu bạn đủ sức và điều kiện để làm điều đó. Còn đi bằng xe khách sẽ giúp bạn thoải mái, đỡ tốn sức hơn, dành sức khỏe cho chuyến treckking Hang Én của mình vào ngày hôm sau được trọn vẹn hơn.

Cách thứ hai là bạn bay đến sân bay Pleiku – Gia lai sau đó đi bằng ô tô xuống thị trấn Kbang. Cách này theo mình thì không nên vì phải đợi chờ máy bay rất mất thời gian, thứ hai là quãng đường từ sân bay PleiKu đi thị trấn Kbang cũng khá xa, tầm 120km, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ nữa.

Thị trấn Kbang thuộc huyện Kbang tỉnh Gia Lai còn có tên gọi khác là thị trấn KaNak. Một trị trấn nhỏ thuộc huyện miền núi Tây Nguyên. Tuy nhiên dân cư ở đây có đời sống khá cao. Trong thị trấn có đầy đủ những dịch vụ cơ bản về ăn uống, vui chơi giải trí cho bạn lưu trú tại nơi đây.

Về vấn đề lưu trú: trên địa bàn có nhiều nhà nghỉ, khách sạn cho quý khách lựa chọn, tùy thuộc vào nhu cầu, sở thích của mình mà bạn có thể lựa chọn cho mình một phòng nghỉ thoải mái, hợp với sở thích của mình.

Xem thêm Nhà nghỉ khách sạn ở Kbang

Sau khi nghỉ vài tiếng ở khách sạn cho lại sức chúng ta có thể lên đường khám phá thác Hang Én

3. Trekking Hang Én từ thị trấn Kbang, Gia Lai

Có hai sự lựa chọn, thứ nhất vào cổng khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đi đường bê tông, hai là đi đến Trạm Lập (bản Hà Lâm) đi đường trại bò.

Từ thị trấn Kbang di chuyển theo hướng Bắc dọc theo đường Trường Sơn Đông khoảng 52 km chúng ta sẽ đến với Ban quản lí khu bảo tồn KCR. Để vào cổng khu bảo tồn chúng ta phải có hợp đồng với các công ty lữ hành, đó là quy định mới của khu bảo tồn. Thác K50 cách Ban quản lí khu bảo tồn tầm 19 km nữa.

Cung đường từ thị trấn Kbang đến thác Hang Én cũng sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Dọc theo tuyến đường Trường Sơn Đông dưới những tán rừng cây cổ thụ, gần như nguyên sinh. Cung đường uốn lượn, nhiều khúc cua và hẻm vực, chính vì vậy chúng ta không nên đi quá vội vàng.

Dưới tán rừng già là những đàn bướm bay lượn, rập rờn, tiếng chim hót, vượn kêu. Những âm thanh của núi rừng yên bình và cả những làn gió mát vi vu. Vào sâu trong rừng tầm vài km là không khí trở nên dịu êm, mát mẽ hẳn ra. Những điều đó làm cho ta thêm phấn khích hơn nhiều.

Cung đường Trường Sơn Đông có nhiều đoạn đường rất đẹp, thi thoảng bạn có thể dừng lại và làm vào pic kỉ niệm. Trên cung đường này dù bạn đi buổi sáng, trưa, chiều gì cũng luôn mát mẽ và rợp bóng cây. Bạn có biết vì sao như thế không? Vì đường Trường Sơn Đông chạy theo hướng Bắc – Nam, vuông góc với ánh sáng mặt trời. Hai bên đường là rừng gần như nguyên sinh với những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Vì thế dù bạn đi vào khoảng thời gian nào trong ngày cũng rất mát mẽ.

Sau khi qua xã Sơ Pai đến trung tâm xã Sơn Lang (cách thị trấn tầm 32 km) từ xã Sơn Lang, tiếp tục hành trình trên đường Trường Sơn Đông khoảng 20 km nữa là đến cổng vào Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Lưu ý đến biển chỉ đường bạn rẽ phải nhé, vì rẽ trái là đường vào Thác Ba Tầng.

ảnh biển chỉ đường khu bảo tồn KCR

Lưu ý để được vào cổng KBT chúng ta phải liên hệ trước với Ban quản lí khu bảo tồn. Ban quản lí KBT sẽ cử nhân viên dẫn đường cho các đoàn tham quan. Tiền tip cho các nhân viên khu bảo tồn đi theo đoàn tùy thuộc vào số lượng thành viên của đoàn tham quan. Tùy thuộc vào thời gian lưu trú của đoàn là có ở lại qua đêm hay không? Thông thường từ 300-500k/đoàn tham quan.

Cung đườn từ KBT thiên nhiên Konchurang đến thác Hang Én

Quảng đường từ Ban quản lí khu bảo tồn KCR đến thác K50 dài tầm 15 km chia làm 2 chặng:

7 km đầu đường trải bê tông khá rộng rãi, xe ô tô từ 4 đến 29 chỗ có thể di chuyển một cách dễ dàng.

Video về cung đường 7km đầu tiên

7km tiếp theo dành cho người đi bộ: biển thông báo ghi là vậy nhưng chúng ta có thể di chuyển bằng phương tiện xe gắn máy, quảng đường này đường lắp ghép bằng những tấm bê tông đúc sẵn rộng khoảng 70cm đủ để 1 chiếc xe máy lưu thông dễ dàng. Những khi gặp xe ngược chiều chúng ta cũng tránh nhau khá dễ.

Đây là cung đường gian nan vất vả và có phần nguy hiểm nhất trên hành trình trekking thác k50. Nếu bạn đi theo cặp đôi, 2 người một xe gắn máy thì lời khuyên dành cho bạn đó là kiếm một chiếc xe phân khối lớn một xíu, mới và khỏe. Nếu bạn sử dụng một xe máy thông thường thì đồng nghĩa với người bạn đồng hành của bạn phải cuốc bộ vài cái dốc cao và dài, thở bằng lỗ tai. Trải nghiệm cung đường này không đòi hỏi bạn là một cu rơ gì đó nhưng đòi hỏi bạn là một tay lái lụa luạ một tý mới được. Nếu bạn không tự tin về tay lái của mình thì nên ngồi sau xe người khác cho lành.

Trải qua cung đường dành cho người đi bộ này chỉ khoảng 7km nhưng nó ngốn mất thời gian của bạn tầm 40 phút nhé. Trường hợp bạn đi bằng ô tô đến tận nơi này, bạn cũng có thể thuê người của khu bảo tồn chở bạn vào tận chân thác nha. Như vậy việc khám phá thác k50 đi và về trong ngày từ thị trấn Kbang bằng ô tô là khả thi bạn nhé.

Trekking 1 dốc cao từ chỗ để xe đến chân thác:

Oke, chúc mừng bạn đã trải qua quãng đường gian nan vất vả nhất. Tiếp theo là một thử thách mới. Một cái dốc cao hiện ra trước mặt dành cho bạn.

Vì thấm mệt do leo những dốc cao trước đó cộng thêm việc phải mang vác nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh nên khi đi xuống đoạn dốc này mình phải dừng lại đến 3 lần. Trong quá trình di chuyển đi xuống dốc dù mệt nhưng vẫn không quên đếm số bậc thang của dốc cao này. Tổng cộng là 181 bậc tam cấp. Khá dài phải không các bạn? Nhiều bạn cứ nghĩ rằng lên dốc mới mệt chứ xuống dốc chắc khỏe lắm, ấy đó là suy nghĩ sai lệch nhé.

Thực tế là đi lên mệt đã đành đi xuống mệt cũng không kém luôn, kiểu như xe xuống dốc vậy (lên số nào thì xuống số đó). Đầu gối chúng ta chịu trọng lực của cơ thể cộng thêm mớ đồ mang vác trên lưng nên đầu gối, các bắp cơ bắt đầu nóng lên, đau ê ẩm.

Vượt qua con dốc cao chúng ta sẽ đến chỗ cắm trại dựng lều, thông thường mọi người sẽ dựng lều ngủ ở đây, đó là một không gian bằng phẳng, lát bằng xi măng rộng tầm 100m2, dưới tán những cây cổ thụ xung quanh. Ở đây chúng ta đã nghe rất rõ tiếng xuống chảy, tiếng thác đổ ì ầm. Chúng tôi không dựng lều ở đây mà lựa chọn vị trí dựng lều dưới chân thác.

ảnh nơi du khách thường dựng lều

4. Những trải nghiệm ở thác K50

Chúng tôi xuất phát cuộc hành trình của mình từ thị trấn Kbang lúc 13 giờ đến chân thác lúc 16 giờ 30 phút, như vậy cuộc hành trình của chúng ta mất khoảng hơn 3 giờ đồng hồ. Công việc của chúng tôi lúc này là chuẩn bị cho bữa tối, tìm chỗ mắc võng dựng lều ngủ… Loay hoay mãi cũng hoàn thành vì những chỗ bằng phẳng và đẹp đã có người chọn trước trước. Những trải nghiệm đầu tiên là chụp choẹt cảnh hoàng hôn ở thác Hang Én, tắm suối và ăn tối.

Câu cá phá ở chân thác k50: Cá ở đây phải nói là còn rất nhiều, bạn có thể mang theo cần câu cá, lưới, chài. Ở đây là khu bảo tồn vì vậy nghiêm cấm các hình thức đánh bắt tận diệt, hủy hoại môi trường như đánh cá bằng xung điện. Vì sự phát triển bền vững mọi người hãy chú ý điều này. Đoàn chúng tôi trải nghiệm câu cá từ đầu giờ tối đến khoảng tầm 8 giờ rưỡi tối. Cảm giác câu cá đêm ở đây khá tuyệt.

Màn đêm tĩnh mịch, chúng tôi đốt một đống lửa to để vừa đỡ lạnh, vừa để lấy ánh sáng. Sau hơn một giờ câu câu cá vui vẻ, sản phẩm là có hơn 1 kg cá để nấu canh. Trời càng dần về khuya, hơi nước dưới chân thác và sương đêm làm chúng tôi cảm thấy lạnh và quyết định nghỉ câu.

Trải nghiệm ngủ trong rừng già: Ngủ trong rừng già, giữa vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên KCR nơi cách xa thế giới hiện đại. Ngôi làng gần nhất chúng tôi (làng Hà Lâm) cũng cách tầm 20 km. Đây có lẽ là một trải nghiệm khó quên mà trong đời.

Khi màn đêm buông xuống không gian giữa rừng già trở nên tĩnh mịch, nhiệt độ bắt đầu giảm. Những giọt sương bắt đầu càng nặng hạt, tiếng rơi lột độp trên lá như tiếng mưa. Rừng già cũng ru ta bằng những bản nhạc rừng nguyên sơ như những bản bonroque dễ chịu. Tiếng dế gáy dưới những đám cỏ, tiếng chim kêu gọi bạn tình, tiếng ếch nhái và cả vô số loại côn trùng khác nữa. Tất cả đã tạo nên một bản hợp xướng tự nhiên mà có lẽ không có một thiên tài soạn nhạc nào có thể làm được.

Thức dậy ở một nơi thật xa – Bình yên trên thác k50

Đánh thức bạn một ngày mới không phải là tiếng chuông điện thoại réo rắt khiến ta giật bắn người. Mà thay vào đó những âm thanh yên bình đến lạ, là tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót rộn ràng. Một buổi bình minh bình yên đến lạ, không ồn ào náo nhiệt, vội vàng. Thay vào đó là sự thảnh thơi, trong lành. Cảm nhận âm thanh của sự sống, kiểu như chí phèo cảm nhận âm thanh của cuộc sống sau cơn say rượu vậy.

Nhẹ nhàng với bình trà nóng, ly cà phê hòa tan trên một tảng đá to khá bằng phẳng, nhìn ngắm thiên nhiên núi rừng. Bức tranh ấy, góc view có lẽ không có một quán cà phê hạng sang nào ở thành phố có được. Có thể gọi đây là một trải nghiệm uống cà phê mới được không ta?

Checkin thác k50 vào buổi bình minh

Cầu vòng trên thác K50
Cầu vòng trên thác k50

Mặt trời ấm áp dần lên, những tia sáng mặt trời dần dọi vào thung lũng thác k50. Thác chảy từ độ cao rất cao tầm 50m xuống, nước bắn tung tóe, hơi nước phảng phất khắp một khu vực rộng lớn. Tia sáng mặt trời làm tán sắc những đám hơi nước – cầu vòng xuất hiện.

Thác K50 Thác Hang Én Kbang, Gia Lai
Cầu vòng trên thác k50
Thác k50 Kbang

Đây không phải là cầu vòng mà chúng ta thường thấy sau cơn mưa. Dưới chân thác có một chỗ có góc view đẹp là chỗ có tảng đá lớn trên đó có một cây thân gỗ mọc lên cao tầm 3-4m. Tảng đá ấy trở thành một nơi checkin lí tưởng cho những tín đồ đam mê chụp choẹt. Tất cả như có một sự sắp đặt của tạo hóa vậy.

ảnh có cái cây và tảng đá

Khám phá thác K40 thượng nguồn thác K50

Sau gần 2 giờ đồng hồ : ngắm bình minh, ăn sáng, chụp choẹt ngắm cầu vòng các kiểu chúng lên đường checkin thác k40 nằm ở một dòng suối nhỏ, một nhánh của dòng suối thác k50 ở thường nguồn.

Chúng tôi men theo đường phía bờ tay phải thác k50 nhìn từ dưới lên để tiếp tục chinh phục thác k40. Khoảng cách từ chân thác k50 nơi chúng tôi xuất phát đến thác k40 tầm hơn 1 km. Từ thung lũng chân thác nơi chúng tôi dựng lều để lên thường nguồn thác k50 là một con dốc cao dài tầm 100m. Đây là một thử thách khiến nhiều người trong đoàn khi nghĩ đến nó thấy “ớn quá” nên thôi. Lên đến đỉnh thác rẽ tay phải khoảng tầm 30 phút nữa là chúng tôi đến được thác k40.

Cảm xúc đầu tiên là mát, phải gọi là mát ơi là mát. Mọi người trong đoàn leo dốc từ chiều hôm qua đến giờ dường như đã ngấm đòn, nhưng sau vài phút ngắn tinh thần đã hứng khởi, khỏe khoắn trở lại. Tiết mục chụp choẹt lại bắt đầu.

So với thác k50 thì thác k40 ít nước hơn, độ cao thấp hơn. Sau khi sưu tầm rất nhiều bức hình ưng ý chúng tôi quay trở lại dòng suối đỉnh thác k50. Vòng qua chỗ mọi người thường dựng lều, đi xuống con đường cũ xuống chân thác của ngày hôm qua để vào Hang Én.

Checkin Hang Én phía sau dòng thác k50.

Có người vui tính trong đoàn gọi cuộc hành trình của chúng tôi từ chân thác k50 checkin thác k40 và Hang Én rồi quay lại nơi dựng lều như biểu tượng của “giới tính tính nam” trong đó, đỉnh của hình tròn là thác k40.

Trên đường xuống chân thác từ chỗ mọi người thường dựng lều tầm 40m nhìn bên tay trái có một con đường mòn dẫn chúng ta khám phá Hang Én. Gọi là hang nhưng nhìn chung khá là nông, miệng hang rộng tầm 30m. Đây là nơi loài chim én thường hay trú ngụ và cái tên Thác Hang Én tên gọi khác của thác k50 cũng bắt nguồn từ đây. Nhìn từ Hang Én ra ngoài là một dòng thác bạc như trên trời chảy xuống, xa xa màu xanh đậm của rừng, xen lẫn với màu xanh nhạt của bầu trời và màu trắng của những áng mây. Đây là một góc view đẹp cho những bức ảnh “ngàn like”.

Thác 50 nhìn từ hang én
Thác K50 nhìn từ hang én sau thác

Quay lại chỗ xuất phát lúc sáng, nơi dựng lều của chúng tôi, trời cũng đã dần về trưa, cảnh vật hiện ra trong ngần. Dòng suối dưới chân thác là một tấm gương khổng lồ phản chiếu cảnh núi rừng xanh biếc, bầu trời xanh thẳm và những áng mây trắng phau lơ lửng. Tất cả đã tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp đến mê hồn. Chúng tôi lại tiếp tục “nhảy ùm vào đam mê” (tắm suối), dòng nước mát lạnh dường như đã xua tan những mệt mỏi của hành trình trekking sáng nay. Một cảm giác mát mẽ, khoan khoái, trong lành lại hiện lên rạng rỡ trên gương mặt các thành viên trong đoàn.

5. Những kinh nghiệm trekking, camping thác K50

Qua 2 lần trải nghiệm Phong rút ra một số kinh nghiệm nhỏ, gửi đến các bạn tham khảo cho chuyến hành trình khám phá thác k50 của mình một cách trọn vẹn nhất.

Đầu tiên và quan trọng nhất khi bạn muốn tự trekiing, camping thác k50 là bạn phải xin phép ban quản lí khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng trước thông qua công ty lữ hành (nếu bạn gặp khó khăn việc này xin liên hệ chúng tôi bằng việc comment ở cuối bài viết nha).

– Đối với những bạn không có nhiều thời gian chỉ có 1 ngày: Có rất nhiều con đường để trekking thác k50, con đường dễ nhất là từ thị trấn KBang đến Khu bảo tồn KCR, đi bằng đường bê tông đến thác K50. Nếu bạn trekking cung đường này bạn có thể đi và về trong ngày.

Đối với các bạn ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…bạn có thể đón xe đến thị trấn Kbang, sau đó có thể tham khảo 2 cung đường để trải nghiệm thác k50.

– Trong những cung đường trải nghiệm thác k50: dễ đi nhất là đi từ thị trấn Kbang bằng đường bê tông, thứ hai là đi đường trại bò; khó nhất là đi từ An Lão Bình Định đi lên.

–  Đi thác k50 mùa nào đẹp: Câu trả lời là từ khoảng từ tết Âm lịch cho đến khoảng tháng 6 dương lịch: thời gian này là mùa khô ở Kbang, Gia Lai. Kbang là vùng đất chịu ảnh hưởng khí hậu của Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

– Bạn nên thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết của địa phương, mặc dù thị trấn Kbang mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6 là mùa đẹp nhất. Tuy nhiên vào thời gian này có nhiều cơn mưa dông.

Nên trải nghiệm thác k50 vào những ngày nắng như vậy bạn sẽ có những bức hình lung linh ưng ý, còn những ngày mưa chụp hình sẽ không đẹp. Trời mưa trekking thác hang én quả là một điều tồi tệ, đường trơn, vắt nhiều…

– Đồ dùng nên mang theo khi trekking, camping thác hang én: nếu nghỉ qua đêm bạn nên mang theo: chăn ấm, lều, túi ngủ hoặc võng, dụng cụ nấu ăn, uống, thuốc cống côn trùng, thuốc đau bụng, giày trekking, dép có độ bám tốt…Đói bạn có thể chịu được nhưng khát thì không nhé, bạn cũng không nên uống nước suối vì có thể bạn sẽ bịt sốt do ngã nước.

– Vì sự an toàn của bạn, chúng tôi khuyên bạn không nên ra gần bờ của thượng nguồn thác để “seophi”. Đá ở đây rất trơn, nếu không may mà trượt chân rơi xuống, kiểu như bạn san tô từ tòa nhà 12 tầng xuống đất vậy.

6. Review thác k50

(nguồn Ms Thắm)

“Nghe nói dân Sài Gòn, Hà Nội … ở đâu xa lắc xa lơ cũng đến trải nghiệm tại thác K50, Kbang, Gia Lai rồi thế mà mình sống ở Kbang 10 năm có dư bây giờ mới được đặt đôi bàn chân mình đến đó. Trước khi đi thì hào hứng có, hồi hộp có và lo sợ cũng có vì đi vào rừng cơ mà, rồi cũng nghe nói khó đi lắm, đi một lần là không dám đi nữa. Với mình đây là một trải nghiệm thật sự thú vị mà mình chưa từng có.

Vượt qua từng con dốc, ta nói, nó hồi hộp gì đâu, nhưng vượt qua rồi thì thấy nó đã. Mệt thì cũng mệt thật chứ, có lúc còn thở hổn hển, đeo cái balo lên những con dốc đứng tưởng không còn đủ sức để bước lên. Nhưng vượt qua tất cả là một cảm giác rất chi là … YoMost. Được tận hưởng bầu không khí trong lành mát mẻ không đâu có được, được ngắm nhìn những khu rừng nguyên sinh xanh ngắt và hoà mình cùng thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp của dòng thác tuyệt đẹp, tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng.

Vừa đi vừa nghe tiếng chim hót. Thỉnh thoảng còn được ngắm những đàn bướm đủ màu sắc. được đùa nghịch cùng dòng suối mát lành trong vắt. Rồi Cái cảm giác những hạt nước li ti phả vào mặt mát ơi là mát, nhất là cái lúc vừa mới vượt qua chặng đường khá vất vả để lên được đến thác k40, rất chi là mệt thế nhưng vừa đến nơi là một làn hạt nước li ti cứ như phun sương vào mặt. Ôi tớ bừng tỉnh, một cảm giác gọi là phê như con tê tê luôn😁. Cứ muốn đứng đó mãi không muốn về.

Được trải nghiệm cảm giác câu cá đêm cùng đồng đội cũng vui không kém. Rồi còn ăn cơm ở rừng nữa chứ, chắc chắn là ngon hơn ở nhà rồi nè, thú vị vô cùng. Đêm nằm ngủ nghe đủ loại âm thanh từ ếch nhái, nước chảy đến chim kêu…Đúng là có một không hai, thế mà mình vẫn ngủ ngon lành đến gần sáng mới tỉnh😂. Rồi còn Những lúc rửa rau, rửa chén bên dòng suối nữa, cũng hay hay. Nói chung là nhiều cảm xúc không thể kể hết được nhưng mình đã rất thích chuyến đi này.

Đến đây mình thật sự cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên. Sự hào phóng của vũ trụ với con người chúng ta. Cảm giác mình thật nhỏ bé. Cảm giác đọng lại: thú vị, đã, phê, mát, trong lành, tuyệt vời.Nếu bạn là người thật sự thích trải nghiệm, hãy một làn đến với thác K50 để cảm nhận trọn vẹn và đủ đầyP.s: mình chỉ muốn nói là: Mình đã được đến thác k50 rồi đó. Và thông điệp mình muốn gửi:Hãy bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên, trái đất của chúng ta.Thank you! I love you❤️❤️❤️ Ms Thắm

Như vậy sau 2 lần trải nghiệm, mình đã chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm trekking thác k50 (thác hang én) nằm sâu trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Kbang, Gia Lai. Chúc bạn có thêm thông tin để tự tin tự mình trải nghiệm trekking, camping, checin thác k50. Chúc bạn có một tour về với núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, hoang sơ, đầy thú vị. Nếu thấy hữu ích thì like nhé.

5/5 - (5 bình chọn)

2 Comments

  1. Tuấn Lê Tháng Mười 5, 2021

Join The Discussion

0935816505